28/03/2019
Lượt xem: 760
Nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam sành tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng”
Sáng ngày 26 tháng 3 năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ
(KH&CN) tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn
đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam sành tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc
Trăng” do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng chủ
trì thực hiện, Chủ nhiệm dự án là ThS.
Vũ Bá Quan. Kết quả được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tư vấn đánh giá
đạt yêu cầu.
Trong những năm gần đây tình hình thiếu nước phục vụ cho
tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp thường xuyên xảy ra ở khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Đặc biệt với tác động kép
của tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lưu lượng nước đổ về từ thượng
nguồn sông Mê Kông ngày càng giảm đã tác động đến khu vực Đồng bằng sông Cửu
Long, khiến khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề về nạn hạn hán và xâm nhập mặn;
nhiều khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, trong
đó có huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng. Năm 2016, trên địa bàn huyện Kế Sách có
các xã như Nhơn Mỹ, Thới An Hội, Kế Thành và thị trấn Kế Sách bị ảnh hưởng bởi
hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra vào mùa khô làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
trên địa bàn, nhất là cây ăn trái. Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng
15.710 ha cây ăn trái; cây có múi khoảng 5.000 ha, chiếm 31,60% diện tích cây
ăn trái, trong đó diện tích cây cam sành là 2.200 ha. Cây có múi nói chung và
cây cam sành nói riêng, đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân,
nhờ đạt năng suất cao và chất lượng tốt. Tuy nhiên, do tình hình hạn hán và xâm
nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của
người dân nơi đây. Do đó, để ứng phó với tình hình này và đảm bảo nhu cầu nước
tưới trong sản xuất thì phương pháp tưới tiết kiệm nước là phương pháp hữu hiệu
nhất. Chính vì vậy, dự án “Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam sành tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc
Trăng” đã được triển
khai thực hiện.
Dự án được triển khai vào tháng 6/2017 từ nguồn vốn
sự nghiệp KH&CN, đến nay nhóm thực hiện đã triển khai được các nội dung: Xây
dựng được 01 mô hình tưới tiết kiệm nước - tưới nhỏ giọt cho cây cam sành tại ấp
An Ninh 1, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách với diện tích 1.000 m2; phân
tích, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình; tổ chức Hội thảo giới thiệu
mô hình.
Kết quả ghi nhận trong
16 tháng ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vào vườn cam sành tại huyện Kế Sách, tỉnh
Sóc Trăng cho thấy: Tưới nhỏ giọt tiết kiệm được lượng nước tưới so với phương
pháp tưới truyền thống của người dân là 49,08%; bón phân qua hệ thống nhỏ giọt tiết
kiệm được trung bình 32% lượng phân bón đối với các loại phân đa lượng (Ure,
DAP, NPK, KCl); giảm chi phí phân bón (2.695.000 đồng/1.000 m2); giảm
75% công tưới; tăng năng suất 14,29%; lợi nhuận cao hơn 38,58% so với phương
pháp tưới truyền thống.
Ngoài ra, kết quả dự án
còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm nước trong quá trình
sản xuất, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để ứng phó với
điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng nông sản cung cấp cho người tiêu
dùng.
Lưu Thị Kiều Oanh